Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành

Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành - người cách đây 28 năm là người đã phát hiện đầu tiên tác dụng của hạt cao su có thể chế biến ép thành dầu dùng trong sản xuất sơn, bã ép ra dùng làm phân bón trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn học sinh, công nhân nông trường cao su.

 
Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành - người cách đây 28 năm là người đã phát hiện đầu tiên tác dụng của hạt cao su có thể chế biến ép thành dầu dùng trong sản xuất sơn, bã ép ra dùng làm phân bón trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn học sinh, công nhân nông trường cao su.

 

 
Nhắc đến ông Kiểm, nhiều người nhớ ngay đến tác giả giải quyết nạn kẹt xe trên đường phố qua công trình nút giao thông Hàng Xanh nằm ở cửa ngõ vào thành phố. Nhắc đến ông, nhiều người biết đến Cty May, Xây dựng Huy Hoàng, Cty tư nhân đầu tiên XK hàng may mặc trực tiếp ra nước ngoài 20 năm qua các Cty của ông đã tạo ra công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động. Bây giờ, nhiều người yêu mến gọi ông là “Cựu chiến binh giàu lòng nhân ái”. Nhân dịp ông vừa vinh dựđược Chủ tịch nước trao tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Lao động hạng III; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc và đoạt cúp Doanh nhân Tâm Tài 2007, phóng viên Doanh Nhân VN đã được nghe ông kể về chuyện đời, chuyện nghề của ông.
 

 

 

Ông Kiểm sinh năm 1945 tại Thừa Thiên - Huế. Chưa đầy 1 tuổi ông đã theo cha mẹ lên chiến khu sống trong các đơn vị bộ đội. Năm 1949 người cha anh dũng hi sinh. Suốt những năm tháng ấu thơ, ông sống cùng mẹ, được sự che chở, cưu mang của bộ đội – những đồng chí, đồng đội của ba mẹ. Năm 1954 ông được ra Hà Nội theo học tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, rồi tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi. Năm 1971, ông tình nguyện nhập ngũ. Là con một của liệt sĩ nên lá đơn của ông không được chấp thuận. Ông chích máu viết đơn một lần nữa. Trước quyết tâm của người con liệt sĩ, ông được gia nhập QĐND VN. Năm 1973, ông được chuyển sang ngành giao thông và ông đã tình nguyện xin về công tác tại chiến trường B2 và công tác tại Ban Giao thông Trung ương cục miền Nam đóng tại Tây Ninh. Từ căn cứ Trung ương cục miền Nam, ông được giao nhiệm vụ cùng đồng đội đi mở đường cho quân ta thần tốc tiến về Sài Gòn. Chiều 30/4/1975 ông có mặt tại Sài Gòn trong đoàn quân giải phóng tiếp quản thành phố và được phân công làm việc trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.
 

 

Gia đình đoàn tụ tại TP Hồ Chí Minh. Những năm sau giải phóng, cũng như nhiều gia đình khác phải trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn của thời bao cấp. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng ông quyết định bước vào làm kinh tế tư nhân, cùng gia đình mở tổ hợp chế biến thức ăn gia súc.

 

- Từ một người lính chuyển sang mở cơ sở sản xuất có gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

 

Khó khăn nhất là vốn và kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Ngày ấy, hai vợ chồng tôi chỉ có một chiếc xe máy, tài sản lớn nhất của gia đình. Tôi bàn với vợ bán chiếc xe máy để mua máy chế biến thức ăn gia súc. Thời điểm đó, các trường dạy quản lý về kinh doanh không nhiều như bây giờ, vì thế tôi và vợ phải tự mày mò, sáng tạo. Vốn xuất thân từ gia đình nghèo lại được rèn luyện lao động tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian học tập tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và trường đại học, đã giúp chúng tôi đạt được những thành công bước đầu trong sản xuất kinh doanh.
 

 

- Ông phát hiện ra công dụng của hạt cao su có chứa dầu trong hoàn cảnh nào?

 

Một lần đi cắm trại cùng gia đình trong rừng cao su, thấy có một hõm nhỏ rộng chừng 50 cm, tôi lấy củi chất vào nướng thịt. Ngọn lửa bốc lên và bùng cháy rất mạnh. Tò mò, tôi lấy que cời đống lửa thấy ở phía dưới có đến hàng chục hạt cao su đang cháy rất mạnh, khói xì xanh lè. Vốn là một kỹ sư hoá đã từng đi học ở nước ngoài, vợ tôi lấy hạt cao su mang vào phòng thí nghiệm. Kết quả, hàm lượng dầu trong hạt cao su có rất nhiều. Thế là tổ hợp chế biến thức ăn gia súc của tôi lại có thêm một nhiệm vụ mới - chế biến hạt cao su. Do chất lượng tốt, nên sản phẩm dầu cao su bán rất chạy. Đối tượng mua là các DN sản xuất sơn. Có những lúc do nhu cầu mua cao, số lượng lao động đi nhặt hạt cao su lên đến hàng ngàn người. Riêng việc bán bã hạt cao su (dùng làm phân bón cho nông nghiệp), cơ sở đã đủ chi tiền điện nước và lương nhân viên.
 

 

- Công ty Huy Hoàng ra đời trong thời gian đó?

Có vốn tích luỹ khá lớn, chúng tôi quyết định thành lập Cty May - Xây dựng Huy Hoàng. Hàng may mặc của Huy Hoàng được sản xuất ra với chất lượng cao vì Cty là đơn vị đầu tiên trong cả nước nhập khẩu đồng bộ máy móc thiết bị ngành may mặc từ các nước tư bản để sản xuất; Huy Hoàng cũng là DN tư nhân VN đầu tiên được XK trực tiếp ra nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, Cty còn triển khai nhiều công trình quan trọng có ý nghĩa xã hội như xây dựng nút giao thông Hàng Xanh giải quyết được ùn tắc giao thông ở cửa ngõ vào thành phố; xây dựng móng trụ điện 500 kV tuyến Bắc Nam...
 

 

- Trong thời điểm năm 1998, Cty May - Xây dựng Huy Hoàng có những lúc đứng bên bờ vực phá sản?

 

Vào những năm 1998, do cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, nhiều DN VN, nhất là các Cty kinh doanh bất động sản lâm vào cảnh vay nợ ngân hàng do giá bất động rất thấp lại khó bán. DN chúng tôi cũng có tham gia xây dựng và kinh doanh bất động sản nên cũng gặp rất nhiều khó khăn và cả trong ngành may lúc đó cũng vậy. Hàng hoá tồn kho, Cty nợ đọng... hàng tháng phải chi lương cho hàng ngàn lao động nên số tiền vay nợ ngân hàng cả gốc và lãi của Cty Huy Hoàng lên đến 700 tỷ đồng.
 

 

- 700 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, ông đã giải quyết bằng cách nào?

 

Tôi đã nhiều đêm mất ngủ với những trăn trở lo toan. Có những đêm một mình lặng lẽ trong văn phòng làm việc, nhìn xuống xưởng may, nơi có hàng ngàn thợ may đang miệt mài làm việc. Họ đâu có biết Giám đốc của họ đang gặp khó khăn. Tiền đâu trả lương cho công nhân cho đúng kỳ hạn? Tiền đâu trả lãi cho ngân hàng? Nếu Cty phá sản, 2.000 công nhân này sẽ không có việc làm? Sau 2 năm cố gắng duy trì chúng tôi đã phải bán hết vàng và tư trang tích luỹ của gia đình trong những năm làm ăn thành đạt trước đây để giữ vững cuộc sống, việc làm cho công nhân và sự ổn định của Cty. Tuy nhiên, tài sản vẫn chưa bán được để thanh toán cho ngân hàng, khó khăn tăng gấp đôi. Cuối cùng tôi quyết định trình bày những khó khăn của công ty và đề xuất cách giải quyết lên lãnh đạo Đảng, Chính phủ xin được giúp đỡ, khắc phục.
 

 

 

Trước tình hình khó khăn chung của các DN, Bộ Chính trị đã quyết định duyệt phương án của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cho phép các DN có tài sản thế chấp, đủ đảm bảo với số nợ vay được phép giãn nợ trong 3 năm để có thời gian củng cố lại sản xuất, khôi phục hoạt động, đồng thời giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước tôi đã cùng gia đình, đồng nghiệp nỗ lực kinh doanh, thậm chí nhà vợ con đang ở tôi cũng đem bán lấy tiền trả nợ ngân hàng, gia đình tôi phải đi ở nhà thuê. Sau 3 năm nỗ lực, chúng tôi đã trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng tránh thất thoát cho nhà nước hơn 500 tỷ đồng.
 

 

 

Huy Hoàng đã trở thành một trong những DN điển hình tại TP HCM, góp phần làm cho hệ thống các ngân hàng ổn định, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, đồng thời khẳng định và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Chính phủ VN. Thưa ông, xuất phát từ một kỹ sư thuỷ lợi nhưng rồi ông lại “nổi danh” ở lĩnh vực may mặc và bây giờ ông đang quản lý một sân Golf có tầm cỡ khu vực. Điều gì khiến ông chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh mới?
 

 

 

Những ngày tháng vượt qua sóng gió của cuộc đời đã rèn luyện cho tôi thêm nhiều nghị lực. Cuộc chiến cam go nhất mà mỗi người lính trên mặt trận cũng như trên thương trường là chiến thắng bản thân mình. Vì thế, tôi rất thích đánh Golf, một môn thể thao mà đối thủ chính là bản thân mình. Tôi đã từng vinh dự đứng trong đội tuyển Golf của quốc gia đi dự Sea Games 1999 tại Bruney. Chính những chuyến thăm quan học hỏi nhiều ở sân Golf ở các nước đã giúp tôi sớm tích lũy cho mình những kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
 

 

 

Năm 2001, tôi quyết định xây dựng sân Golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 340 ha. Hiện nay, sân Golf thu hút hơn 800 lao động, 30% CBCNV trong công ty là con em các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ hoặc đã từng tham gia bộ đội tại địa phương, thu nhập bình quân của CBCNV trên 2.000.000 đ/người/tháng.
 

 

So với nhiều sân Golf, Golf Long Thành thuộc diện “Sinh sau đẻ muộn” nhưng đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của những tay Golf khó tính trong và ngoài nước, ông có bí quyết gì không?

Trong việc xây dựng, chúng tôi muốn để lại một công trình đẹp, có ý nghĩa cho xã hội và cho thế hệ mai sau. Vì thế tôi và vợ tôi rất tâm huyết với sân Golf, cùng dốc sức toàn tâm vào việc xây dựng. Trong sân Golf để tạo ra cảnh quan đẹp cho khách đến chơi, chúng tôi đã trồng hơn 10 ngàn cây cọ, hàng trăm cây cổ thụ và nhiều cây quí hiếm khác; hàng chục thác nước, hòn non bộ, vườn hoa, công viên... được xây dựng công phu, mang tính nghệ thuật và mang đậm bản sắc VN...

 

Trong tương lai chúng tôi sẽ xây dựng nâng tổng số đường Golf lên 72 lỗ, trong đó có hơn 1.000 biệt thự, có bệnh viện, trường học, siêu thị, khu du lịch sinh thái, khách sạn 5 sao, bến du thuyền... Để khách đến sân Golf Long Thành, không chỉ bằng đường bộ, đường thuỷ mà tiến tới sẽ xây dựng sân đậu máy bay trực thăng để phục vụ khách trong và ngoài nước.
 

 

- Nghe nói ông còn mở thêm lĩnh vực du lịch?

Chúng tôi đã đầu tư vào khu du lịch Thùy Dương thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu du lịch nghỉ mát miền biển lý tưởng ở khu vực phía Nam. Đây là khu du lịch sinh thái tốt, rất đẹp đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tắm biển và nghỉ dưỡng.

Ông đã ủng hộ rất nhiều gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các hộ thuộc diện chính sách, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, mổ mắt cho hàng ngàn người mù nghèo; mổ tim cứu sống hàng chục em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh; tài trợ xây dựng hơn 700 căn nhà tình nghĩa, tình thương; tôn tạo và xây dựng bia tưởng niệm tại các khu di tích cách mạng, xây dựng nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc; may hàng ngàn áo ấm tặng bộ đội biên phòng, hải đảo... với số tiền lên tới hơn 45 tỷ đồng? Nguyên nhân nào khiến ông làm công việc đầy tình nghĩa ấy?

Tôi luôn nhận thức rằng tôi may mắn còn sống cho đến ngày hôm nay để được sản xuất kinh doanh trên đất nước thống nhất hòa bình là nhờ vào sự hi sinh của rất nhiều người trong cả nước, trong đó có cả người cha tôi yêu quý nhất và những người đồng chí, đồng đội của mình. Đặc biệt, tôi luôn nhớ về những kỷ niệm ngày còn sống trong chiến khu với mẹ khi ba tôi hi sinh những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy mẹ tôi làm việc trong Cục Quân giới, vì chỗ làm xa doanh trại nên sáng đi tối mới về. Những hình ảnh các chú bộ đội ưu tiên dành cho tôi những hạt cơm nguyên chất được nhặt ra từ phần cơm độn ít ỏi của mỗi người để nấu cháo cho tôi ăn đã trở thành ký ức đẹp theo tôi suốt cuộc đời .

Vì thế, mỗi địa phương chúng tôi ủng hộ từ thiện đều liên quan đến cuộc sống của chúng tôi. Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi nơi tôi và vợ tôi đã sinh ra. Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) là nơi tôi đã sống chiến đấu trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thanh Hoá, nơi người cha tôi đã hi sinh và đang còn nằm lại mảnh đất đó; Hà Tây, Hà Bắc nơi tôi được đồng bào nuôi dạy, đùm bọc và trưởng thành. Tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, là nơi Cty Golf Long Thành, Cty Huy Hoàng và khu du lịch Thùy Dương đang hoạt động. Còn ở các tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Tây Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Nam, Đà Nẵng và một số tỉnh giáp biên giới Lào, Campuchia... thì không chỉ cá nhân tôi mà còn nhiều tổ chức, ban ngành, các DN khác cũng đã ủng hộ các gia đình khó khăn do hậu quả chiến tranh, thiên tai, bão lụt...

Cty Golf Long Thành còn phối hợp với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và nhiều đơn vị khác để đưa ra những hình thức tài trợ hiệu quả cho các đối tượng được giúp đỡ như: mổ mắt cho 1.000 người mù nghèo/năm, tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học thuộc diện chính sách, tặng bò sinh sản cho các gia đình nghèo để khuyến khích họ chăn nuôi, cải thiện cuộc sống...

 

Chúng tôi làm những việc từ thiện xã hội cũng là làm theo truyền thống tốt đẹp của người VN đó là: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
 

 

- Xin cảm ơn ông và chúc ông mạnh khoẻ. Chúc Cty của ông phát triển mạnh để giúp đỡ nhiều đồng bào còn đang gặp khó khăn như ông đang làm.

Theo DDDN.

 
Đăng ký khóa học
Hotline : 0918378890
Họ tên:(*) Số ĐT:(*) Email:(*) Địa chỉ:(*) Khóa:(*) Nơi học:(*) Mã xác nhận:(*)
captcha
Hỗ trợ trực tuyến
  • Cở sở gò vấp
    (028)22609696
  • Cơ sở quận 3
    (028)22609988
Đăng ký khóa học