Nữ doanh nhân không thích chờ đợi

“Trong kinh doanh, cũng như ở nghị trường, bạn không thể cứ chờ cơ hội đến, mà phải tự tìm kiếm hoặc tạo ra nó”, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội– Nguyễn Thị Nguyệt Hường chia sẻ.

“Trong kinh doanh, cũng như ở nghị trường, bạn không thể cứ chờ cơ hội đến, mà phải tự tìm kiếm hoặc tạo ra nó”, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội– Nguyễn Thị Nguyệt Hường chia sẻ.

Năm 1987, Nguyễn Thị Nguyệt Hường được cử sang Liên Xô (cũ) đào tạo tại khoa ngôn ngữ trường Đại học tổng hợp Lenin – Matxcơva. Cô sinh viên này có vẻ không gặp may bởi thời điểm đó Liên Xô đang lâm vào khủng hoảng. Số tiền học bổng ít ỏi mà Hường được nhận khiến cô rất chật vật với các khoản chi tiêu.

Nhưng cũng chính nhờ đó, cô sinh viên ngôn ngữ vốn mơ mộng đã trở nên năng động và thực tế hơn nhiều. Ngoài giờ học, cô tranh thủ đi làm thêm và chỉ trong một thời gian ngắn đã tự trang trải được các khoản chi tiêu của mình và không còn phụ thuộc vào học bổng.

"Bạn không thể cứ chờ cơ hội đến với mình mà phải tự tìm kiếm hoặc tạo ra nó", Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Ảnh:Thanh Nga

Tốt nghiệp đại học đúng lúc Liên Xô tan rã, Hường không có cơ hội học tiếp. Sau một thời gian làm việc tại đây, năm 1996, chị trở về Việt Nam và bắt đầu với vị trí kế toán tại một công ty tư nhân. Hường tâm sự: “Sau khi Liên bang Nga sụp đổ, không có nhiều người hứng thú học ngôn ngữ này, và mình cũng rất khó tìm được việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Nếu muốn làm việc, mình phải có lựa chọn khác”.

Ba năm sau, ngoài việc trở thành phó tổng giám đốc công ty, Nguyễn Thị Nguyệt Hường còn trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội. Không muốn mãi là người làm thuê, Hường quyết định thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc và xuất nhâp khẩu.

Khi công ty ngày càng phát triển, số lượng nhân viên lên đến hơn 1.000 người, sản phẩm có mặt ở trên 20 quốc gia, việc đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất của Hường gặp cản trở lớn. Thủ tục thuê đất kéo dài, cơ hội kinh doanh vuột mất, đối tác tìm người khác để hợp tác. Thế nhưng, chính khó khăn này khiến chị nảy ra ý tưởng tìm địa điểm, tự đầu tư hạ tầng cho các doanh nghiệp khác thuê.

Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên là địa điểm đầu tiên được chị chọn đầu tư. Rồi tiếp đến là 2 khu công nghiệp tại Hải Dương (Nam Sách, Phúc Điền), rồi Quang Minh (Vĩnh Phúc), Đài Tư (Hà Nội)… Hướng đi mới này của Hường đã thành công lớn.

Trước đó, một vài khu công nghiệp như Nam Sách, Phúc Điền gần như “hoang hóa”. Từ ngày công ty của chị đến đầu tư, chỉ sau một thời gian ngắn, các khu này được lấp đầy và đông vui nhộn nhịp. Đây cũng là lý do một số người bạn gọi nữ doanh nhân này là “Bà đỡ của các khu công nghiệp”. Bên cạnh đó, từ năm 2005, chị cũng bắt đầu có thêm hướng đầu tư mới vào lĩnh vực ngân hàng.

Năm 2007, bà chủ của nhiều khu công nghiệp thành công được giới công thương thủ đô giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII và trúng cử sau đó. Nữ doanh nhân nghị sĩ cho biết: “Khi làm kinh doanh, bạn không thể cứ chờ cơ hội đến với mình mà phải tự tìm kiếm hoặc tạo ra nó. Trong công tác dân cử ở Hội đồng nhân dân thành phố và Quốc hội cũng vậy. Người dân, cử tri mong muốn người được mình bầu ra phải tham gia tích cực vào việc thúc đẩy, tạo ra thay đổi chứ không thể ngồi chờ”.

Vị đại biểu Quốc hội này tâm sự, giữa thực tế và chính sách luôn tồn tại những khoảng cách không nhỏ, đặc biệt là trong các quy định về kinh tế như đất đai, tài chính, ngân hàng. “Tôi mong muốn khoảng cách này được thu hẹp. Vì thế, tôi rất vui mừng khi được tham gia vào việc đóng góp sửa đổi các chính sách kinh tế tại địa phương với tư cách là đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, cũng như đưa ra ý kiến về việc thay đổi các Luật về kinh tế như đất đai, tài chính, ngân hàng tại Quốc hội”, nữ nghị sĩ nói.

“Trên thực tế” là từ hay được chị mở đầu câu trả lời về những vấn đề liên quan đến thay đổi trong chính sách. Vị đại biểu Quốc hội khóa XII này nói: “Những điều đang diễn ra nhìn có vẻ không hợp lý nhưng có những lý do của nó. Nếu không căn cứ trên thực tế với những điều kiện cụ thể thì rất khó tìm ra biện pháp phù hợp và tạo ra những thay đổi tích cực”.

Đây cũng là lý do vị Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội không bỏ sót bất kỳ một buổi tiếp xúc cử tri nào dù công việc kinh doanh vô cùng bận rộn, kèm thêm trách nhiệm tại Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội. Chị tâm sự: “Tiếp xúc cử tri là để lắng nghe ý kiến từ thực tế cuộc sống của người dân và đo lường độ chính xác của chính sách, giúp mình có được những thông tin phản hồi để có những điều chỉnh phù hợp. Thêm vào đó, những buổi tiếp xúc này còn giúp cho tôi học được nhiều bài học sống động từ chính những cử tri của mình”.

Từ thực tiễn hoạt động trong công tác dân cử tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố, nữ doanh nhân này chia sẻ, chị có được một tầm nhìn rộng hơn với những mục tiêu phi lợi nhuận cho những công ty mà mình làm chủ. “Kinh doanh đơn thuần vì lợi nhuận là mô hình của những công ty trước đây. Ngày nay, một công ty cần phải đem lại lợi ích cho cộng đồng nơi mình đang hoạt động với những chương trình, mục tiêu cụ thể. Trong số đó, hoạt động từ thiện, xã hội là một ví dụ và mình nên chủ động làm điều đó một cách vô điều kiện”, chị cho biết.

Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Nam luôn ý thức cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Nga
Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Nam luôn ý thức cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ảnh:Thanh Nga

Năm 2007, chị đã đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Hỗ trợ người nghèo vượt khó thuộc Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội. Cho tới nay, với tư cách là thành viên sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ, chị đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động của tổ chức này.

Bên cạnh đó, nữ doanh nhân này còn thường xuyên tiến hành các chương trình tương tự với sự kết hợp giữa Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VID) và Ngân hàng cổ phần Hàng Hải - nơi chị giữ chức Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng quản trị.

Trong kỳ bầu cử sắp diễn ra, một lần nữa chị lại được giới công thương thủ đô và cử tri chính thức đề cử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII. “Tôi nghĩ, số lượng đại biểu là doanh nhân trong nghị trường cần được tăng lên để các chính sách, luật liên quan đến kinh tế được ban hành có thêm nhiều chuyên gia với kiến thức chuyên sâu góp ý và thẩm định, giảm đi khoảng cách giữa chính sách và thực tế”, nữ nghị sĩ này chia sẻ.

Hoàng Ly (Vnexpress)

Đăng ký khóa học
Hotline : 0918378890
Họ tên:(*) Số ĐT:(*) Email:(*) Địa chỉ:(*) Khóa:(*) Nơi học:(*) Mã xác nhận:(*)
captcha
Hỗ trợ trực tuyến
  • Cở sở gò vấp
    (028)22609696
  • Cơ sở quận 3
    (028)22609988
Đăng ký khóa học